Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực lên hoạt động du lịch, trong đó, các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Chính vì vậy, quan tâm hỗ trợ, kết nối, định hướng hoạt động cho các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần tạo điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động.
Xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tích cực phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho 771 lượt cơ sở lưu trú du lịch được giảm tiền điện (trong 3 đợt). Đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ cho 89 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với mức 3.710.000 đồng/người, tương ứng với tổng số tiền là 319.060.000 đồng (chiếm 46% tổng số hướng dẫn viên được Sở VHTT&DL cấp thẻ); 55 hướng dẫn viên du lịch được giảm lệ phí cấp thẻ với mức 325.000 đồng/thẻ, tương ứng với tổng số tiền được giảm là 17.875.000 đồng; 19 doanh nghiệp lữ hành nội địa được giảm phí cấp giấy phép với mức 1.500.000 đồng/giấy phép, tương ứng với số tiền được giảm là 28.500.000 đồng.
Sở đã chủ động tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, định hướng liên kết, duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, hoạt động kích cầu du lịch theo phát động của Bộ VHTT&DL. Qua đó, thu hút được sự tham gia tích cực và đồng loạt hưởng ứng của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh. Các doanh nghiệp cam kết thực hiện các chương trình giảm giá dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống, vận tải, lữ hành… với tiêu chí “tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành”.
Cụ thể, các khu điểm du lịch giảm 10% – 50% giá vé vào cổng cho khách đoàn; phòng nghỉ giảm từ 10 – 40%; cơ sở dịch vụ ăn uống giảm từ 5% – 20%; các công ty lữ hành giảm giá từ 10% – 30%; doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch giảm từ 10% – 15%; ngoài ra còn miễn phí các dịch vụ phục vụ hội nghị, hội thảo, tiệc, màn hình led, âm thanh ánh sáng… Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cũng đã chủ động, tích cực đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, xu hướng mới của thị trường. Điển hình như Làng du lịch Yên Trung (huyện Yên Định); Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (huyện Thọ Xuân); du lịch lòng hồ thủy điện Cửa Đạt; các mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch tham quan, mua sắm tại một số địa phương của tỉnh…
Để khởi động lại hoạt động du lịch một cách an toàn, bền vững, Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức thành công hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi phục du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới. Hội nghị đã thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham dự của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn như Vietravel, Flamingo Red tour, HaNoi Tourist, CLB Unesco Hà Nội; đại diện các hãng hàng không… Đáng nói, ngay sau hội nghị, Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 12-11-2021 về việc phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa các tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Trên cơ sở đó, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Sầm Sơn, Pù Luông, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ… đã khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh; các doanh nghiệp du lịch lớn như FLC, HanoiTourist… đã xây dựng kế hoạch và tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động đưa khách du lịch ngoại tỉnh (trước mắt và khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) về Thanh Hóa.